Sốc văn hóa khi đi du học – làm thế nào để xử lý?
Phút giây bạn đặt chân đến đất nước du học mà bạn hằng mong ước, ngay lập tức bạn sẽ bận rộn với những sự mới mẻ ở không gian xung quanh mình: Bạn mỉm cười với những người bán trái cây ở mỗi góc đường, bạn choáng ngợp bởi sự cởi mở của mọi người xung quanh; hoặc là bạn đang mải chú ý đến thái độ kín đáo và thận trọng của mỗi người ở xã hội mới. Cũng có thể là bạn đang rất băn khoăn tự hỏi tại sao mẹ nuôi lại tránh né một số câu hỏi mà bạn đưa ra. Và bạn trẻ ơi, đó chính là sốc văn hóa đấy!
Một số người nếu là “cạ cứng” của du lịch hay những sinh viên ngành nhân chủng học có thể đã nghe đến cụm từ này. Dù cho bạn là người có kinh nghiệm về việc đi du lịch hay lần đầu tiên nghe thấy cụm từ này, bạn phải hiểu rõ sốc văn hóa là gì và làm thế nào để đối phó với nó trong suốt thời gian du học của bạn.
Vậy, Sốc văn hóa là gì?
Khi bạn đi du học, những công việc thường nhật, những văn hóa hay cách ứng xử của mọi người xung quanh bạn đều không giống như trước. Quá trịnh nhận thức, hiểu biết và thích nghi với những thay đổi này được gọi là sốc văn hóa.
Trong cuộc sống bình thường của chúng ta, những biểu hiện, cử chỉ, giọng điệu, thời gian chúng ta xếp hàng (hoặc là chẳng có hàng lối gì) và cách ta tiếp xúc với thế giới xung quanh thường được dựa vào những hiểu biết đã có về văn hóa.Tuy nhiên, chúng ta thường không hề để ý đến điều này vì nó được mặc định là những điều vô cùng bình thường.
Ở một quốc gia khác, chúng ta dần dần nhận ra được những điều này rõ ràng hơn bởi vì đơn giản là chúng khác hẳn với những điều mà ta cho rằng đó là bình thường.
Sốc văn hóa có bốn giai đoạn:
- Sự hạnh phúc ban đầu (Giai đoạn “tuần trăng mật”): Sau khi vừa đặt chân đến nơi mới, bạn dường như sẽ bị những thứ tuyệt vời xung quanh thu hút. Ở giai đoạn này, bạn hoàn toàn chấp nhận những tương đồng về mặt văn hóa giữa quê hương mình và nước bạn, đồng thời lờ đi hẳn những sự khác nhau.
- Sự hằn học và căm ghét (Giai đoạn thương lượng): Dần dần, niềm vui sướng lúc đầu sẽ tan biến. Thay vào đó, bạn sẽ hoàn toàn “hóa điên” với sự mất trật tự của mọi thứ xung quanh. Bạn phải ép bản thân mình vượt lên những giới hạn để có thể thích nghi được với mọi thứ hoặc là bạn bỏ cuộc và “đường ai nấy đi”.
- Sự thông hiểu (Giai đoạn điều chỉnh): Cuối cùng, bạn cũng có thể thảnh thơi. Bạn hoàn chấp nhận được nhà mới và đồng thời đạt được sự cân bằng về cảm xúc. Thay vì phát cáu cả lên, bạn hiểu ra được những sự khác nhau. Bạn dần dần có được những cái nhìn tích cực, yêu thích việc học hỏi nhiều hơn về nước bạn đang học tập. Đồng thời, bạn cũng nỗ lực nhiều hơn trong việc đó.
- Sự thích nghi và đa văn hóa (Giai đoạn tiếp nhận): Đạt được sự thoải mái cao độ ở ngôi nhà mới của bạn là bước cuối cùng của sốc văn hóa. Những trật tự mà trước đó vô cùng lộn xộn dần dần trở nên hợp lý, bạn có thể nói chuyện với người lạ mà không một chút khó khăn và bạn hiểu được những phong tục tập quán. Các công việc thường ngày trở nên bình thường hơn. Tất nhiên là bạn vẫn nhớ nhà, nhưng những người bạn mới, những hoạt động mới chắc chắn đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bạn.
[block]2[/block]
Một số “tuyệt chiêu” để xử lý sốc văn hóa
Ô kê! Bạn đã tốt nghiệp lớp “Tìm hiểu về sốc văn hóa”. Và bây giờ hãy xem những cách giúp bạn đối phó với cú sốc khó chịu này nhé!
- Tìm hiểu càng nhiều càng tốt về quốc gia mà bạn đang học.
Đọc thật nhiều về các diễn đàn du lịch, sách hướng dẫn, tin tức và cả tiểu thuyết nữa. Hãy trao đổi thật nhiều với những “bậc tiền bối” – những con người đã và đang ở hoặc đến từ nơi quốc gia đó.
Bạn cũng phải biết thật nhiều về những phép lịch sự tối thiểu hay những cử chỉ thô tục ở nước đó (chẳng hạn, nếu bạn bước qua túi xách của một ai đó ở Madagascar là rất bất lịch sự) và phải trang bị cho bản thân tinh thần đề có thể đối mặt với những điểm khác nhau ở quốc gia đó.
Cụ thể, bạn hỏi các tư vấn viên xem cách mà các du học sinh khác đã làm gì để thích ứng với cú sốc này. Mỗi quốc gia có những đặc điểm riêng, do đó bạn sẽ đối mặt với những tình huống khác nhau. Vì vậy, hãy hỏi các tư vấn viên, họ biết rõ nhất đấy!
- Lên các mục tiêu cho chuyến du học.
Điều này có lẽ quá hiển nhiên, nhưng bạn nên đảm bảo rằng những mục tiêu ấy bao gồm cả học hỏi về nền văn hóa của nước bạn đến học. Có tâm hồn ăn uống chứ? Nếu có thì hãy lập ra mục tiêu học nấu những đặc sản ở nơi bạn ở, v.v…
Trong suốt giai đoạn “tuần trăng mật”, viết tất cả những thứ mà bạn yêu thích về đất nước mà bạn đến. Khi bạn bắt đầu chán nản hoặc phát gắt lên ở các giai đoạn tiếp theo, dùng những thứ bạn đã viết để xoa dịu tâm trạng, đồng thời, nhắc nhở bạn về những thứ tốt đẹp ở đất nước đó hơn là những thứ làm bạn phát điên lên.
- Tìm những thói quen tốt để đánh lạc hướng.
Đặc biệt, trong giai đoạn hai, khi mà bạn có những cảm xúc tiêu cực về đất nước nơi bạn ở, hãy tìm những thói quen tốt để có thể làm xao nhãng những cảm xúc đó. Dành thời gian để chăm sóc bản thân nhiều hơn, xem những tập phim yêu thích của bạn, nấu ăn hay tiệc tùng ở nhà để quên đi những cảm giác không tốt.
- Chia sẻ cảm xúc của mình cho những học sinh khác.
Khi làm như thế, bạn sẽ dễ dàng biết được ai cũng là du học sinh giống như bạn. Nói chuyện với những cảm giác mà họ cảm thấy về đất nước mà bạn học, đồng thời, hỏi họ về những chiến lược mà họ đã từng dùng để đối phó với những điểm khác biệt về văn hóa.
Đồng thời, hãy học hỏi lẫn nhau. Họ có thể sẽ nhận ra được những gì mà bạn còn đang “ngơ ngác”, ví dụ như tại sau mọi người đều nói một cụm từ lặp đi lặp lại hay là làm thế nào để có thể từ chối một cách lịch sự khi mẹ nuôi bắt bạn phải “chén sạch” mọi thứ trên dĩa.
- Kết bạn với dân bản địa
Bạn sẽ học hỏi được nhiều hơn nếu bạn kết bạn với những người đã và đang sống tại đất nước bạn sống. Họ là những chuyên gia về văn hóa của mình nên bạn có thể hỏi bất cứ những câu hỏi nào điên khùng mà bạn có thể nghĩ ra. Và nếu bạn có những người bạn thực sự tốt tính, họ sẽ nhắc nhở bạn nếu bạn vô tình làm những hành động khiếm nhã trong văn hóa của họ.
- Nhìn mọi thứ xung quanh bằng lăng kính của nền văn hóa bản địa.
Cố gắng nhìn mọi thứ xung quanh bằng cách mà dân bản địa nhìn nhé, vì qua mỗi giai đoạn của sốc văn hóa, khi làm như vậy, bạn sẽ hiểu thêm được thế giới xung quanh và bản sắc của dân bản địa.
Có thể bạn sẽ không đồng ý với một số quan điểm, hoặc có thể nó không có ý nghĩa đối với nền văn hóa cả bạn, nhưng hãy thử hỏi tại sao có những quan điểm ấy. Đừng làm một thẩm phán, hãy là một nhà nhân chủng học đi tìm hiểu về những nền văn hóa khác nhau!
- Hòa nhập với cộng đồng.
Một phần tạo ra cú sốc văn hóa là do bạn cảm thấy như một “người ngoài cuộc”. Vì thế, hãy tham gia càng nhiều càng tốt vào các hoạt động ở cộng đồng. Nếu ở nhà bạn thường hay đi lễ nhà thờ, thì hãy tìm một nhà thờ mới ở nơi bạn sống. Nếu bạn là một tình nguyện viên ở nhà, hãy tìm một chiến dịch tình nguyện tại thành phố mới mà bạn đang học tập và sinh sống. Tham gia vào một đội thể thảo, đi đến những lễ hội và biến nơi đây thành ngôi nhà thứ hai!
- Nỗ lực trong việc học ngôn ngữ địa phương.
Ngay cả khi khóa học của bạn được giảng dạy bằng tiếng Anh, hãy cố gắng học thêm những cụm từ cơ bản ở trong tiếng địa phương. Không chỉ để hiều về văn hóa bản địa, nó còn giúp bạn kết bạn với người khác dễ dàng hơn.
Sốc văn hóa sẽ ảnh hưởng đến bạn như thế nào?
Sốc văn hóa ảnh hưởng đến mỗi cá nhân khác nhau, đồng thời, nó cũng biểu hiện theo rất nhiều cách. Hầu hết, sốc văn hóa tùy thuộc vào:
- Những quốc gia mà bạn đã đến trước đó: Bạn đã bao giờ trải nghiệm một nền văn hóa mới hay chưa?
- Đất nước mà bạn đang ở: Nó khác nền văn hóa của bạn như thế nào?
- Mục đích của chuyến đi: Có ai giúp bạn hiểu được những điều mới mẻ hay không? Bạn có sẵn sàng học hỏi và thích nghi?
- Bạn thích nghi tốt như thế nào: Bạn phản ứng như thế nào khi rời bỏ những thứ khiến bạn thoải mái?
Đừng để sốc văn hóa làm cản trở việc du học của bạn!
Du học không chỉ là những tuần lễ “ăn chơi sa đọa”. Nó thực sự là một thử thách, một nền văn hóa mới, và là một chuyến đi tàu lượn trên cảm xúc của bạn. Tuy nhiên, một khi mà bạn đã quên đi những thứ khiến bạn phiền muộn thì bạn sẽ có được những kỷ niệm và bạn bè cực kỳ quý báu. Vì vậy, còn chần chờ gì mà không vượt qua?
Duy Anh – CTV INEC
(Nguồn: gooverseas.com)